Đạo Phật là đạo giác ngộ bằng con đường trí tuệ, và giải thoát chúng sanh qua hạnh nguyện từ bi. Bồ Tát từ thế giới ta bà khổ, tu hành tinh tấn, trì giới thanh tịnh, tâm từ bi cao thượng. Trí tuệ sáng suốt, phá được vô minh sanh tử luân hồi, và đạt thành chánh đẳng chánh giác.
Bồ Tát Đại Thế Chí cầm cành hoa sen màu xanh đứng bên tay phải Đức Phật A Di Đà. Bên tay trái là Bồ Tát Quán Thế Âm cầm nhành dương liễu và bình tịnh thủy. Trên chóp mũ thường có hình ngôi chùa đại diện cho trí tuệ của Ngài. Trong kinh sách hai vị Bồ Tát hiện thân cư sĩ nữ hai bên Đức Phật A Di Đà tượng trưng Từ Bi và Trí Tuệ.
Trong Kinh Hoa Nghiêm, Đức Phật ca ngợi Bồ Tát hạnh như sau: “Nhân vì chúng sanh mà khởi tâm đại từ bi. Nhân lòng đại từ bi mà phát bồ đề tâm. Nhân phát bồ đề tâm mà thành ngôi chánh giác”.
Bồ Tát Đại Thế Chí tay cầm cành hoa sen màu xanh. Hoa sen tượng trưng cho sự thanh khiết trong sạch, không dính danh lợi thế gian. Màu xanh của hoa sen tỏa ánh sáng xanh trên cõi trời tây phương tịnh độ. Là sức mạnh tinh tấn của chánh định, sức mạnh tự tại vượt thoát khỏi bùn nhơ. Và còn là trí tuệ siêu việt như trời biển tĩnh lặng rộng lớn bao la bát ngát.
Bồ Tát Đại Thế Chí khi chưa học đạo, một kiếp là con thứ hai của vua Vô tránh Niệm. Và là em của Thái tử Bất Huyến, tức là Bồ Tát Quán thế Âm bây giờ, tên là Ni Ma. Hoàng tử Ni Ma được Vua cha khuyến khích bố thí cúng dường Phật Bảo Tạng và đại chúng Tăng.
Đại Thế Chí biểu trưng cho trí tuệ tinh tấn
Thái tử Ni Ma được Phật Bảo Tạng và chư Phật mười phương thụ ký, chăm chỉ tu tập không quên. Sau khi mạng chung, đầu thai nhiều đời nhiều kiếp, kiếp nào cũng hằng giữ bản nguyện quyết tâm tu hành. Làm hạnh mở mang trí tuệ cho chúng sanh si mê không mỏi mệt, mà bước lên đường giác.
Bồ Tát Đại Thế Chí tu pháp môn niệm Phật. Chỉ một câu Phật hiệu mà nhiếp thâu “sáu căn” nên đưa đến giác ngộ. Từ niệm Phật đến khi chứng đạo phải trải qua năm mươi hai giai đoạn. Là thập tín, thập trụ, thập hạnh, thập hồi hướng, thập địa, rồi đến đẳng giác, diệu giác. Đại Thế Chí cùng với năm mươi hai vị Bồ Tát cũng là đại biểu năm mươi hai giai đoạn.
Đức tinh tấn và trí tuệ là con đường đi đến sự giác ngộ và giải thoát viên mãn. Trí tuệ có được là do tinh tấn tu hành, siêng năng học đạo, tham thiền. Niệm Phật, tụng kinh, bái sám, không giải đãi, không thối chuyển.
Tinh tấn còn là tâm hoan hỷ siêng năng, chuyên cần làm mọi việc thiện lành, cứu người giúp đời. Đức Đại Thế Chí Bồ Tát do niệm Phật mà chứng viên thông. Nhẫn đến tu Bồ Tát đạo giáo hóa chúng sinh đều không rời câu niệm Phật. Chúng ta nên cố gắng noi theo Ngài.
Người học đạo có trí tuệ sáng suốt. Biết được sự nguy hiểm của vô minh dẫn chúng sanh đi vào lục đạo sanh tử của luân hồi. Nên mạnh dạn chặt đứt phiền não của nhân bất thiện và nghiệp ác. Quan trọng là tinh tấn tự tu học đến khi thân khẩu ý được hoàn toàn trong sạch và thanh tịnh.